Tiếng Việt
  English
   
Giới thiệu

Giới thiệu chung
Lịch sử hình thành
Cơ cấu tổ chức
Chính sách nhân sự
Các chi hội thành viên
Điều lệ hội
Videos
Hình ảnh hoạt động Hội
Thủ tục thành lập Hội
Hội Viên
Tin tức - sự kiện

Tin hoạt động Hội
Thông tin chuyên ngành
Kiến thức về SKSS cho phụ nữ
Kiến thức cho phụ nữ mang thai
Kiến thức cho phụ nữ sau khi sinh
Kiến thức SKSS vị thành niên - TN
Thông tin chuyên ngành
CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA HỘ SINH VIỆT NAM PHẦN 1
Ngày cập nhật:  17/05/2015 11:12:55
Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

1. Mở đầu


     Lực lượng hộ sinh là đội ngũ nhân lực y tế đã được đào tạo và sử dụng ở nước ta từ những năm 40 của thế kỷ XX. Trong hoạt động của mình, người hộ sinh luôn đồng hành cùng các bà mẹ trong các cuộc sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trước,trong và sau sinh. Được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Bộ Y tế phối hợp với Hội Nữ hộ sinh Việt Nam (VAM) đã xây dựng “Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam”. Sự ra đời của Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam sẽ là cơ sở cho việc xây dựng chương trình đào tạo hộ sinh, góp phần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực hộ sinh, đáp ứng yêu cầu hội nhập các nước trong khu vực. Tài liệu này đã được các chuyên gia lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và hộ sinh trong nước, các nhà quản lý y tế và đào tạo hộ sinh biên soạn và đóng góp ý kiến hoàn thiện.

2. Bối cảnh chung về hộ sinh

2.1.Hộ sinh Việt Nam

Theo Niên giám thống kê Y tế năm 2011, hộ sinh trình độ trung cấp và điều dưỡng sản phụ trình độ cao đẳng và đại học chiếm 6,57% tổng số nhân lực y tế trong toàn quốc, tăng 0,22% so với năm 2007. Địa bàn làm việc của hộ sinh từ bệnh viện tuyến Trung ương đến trạm y tế xã, trong đó số lượng hộ sinh làm việc tại tuyến cơ sở chiếm tỷ lệ cao (54%).
Hộ sinh Việt Nam, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, họ còn thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác tại cơ sở y tế và cộng đồng như: Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi; khám và điều trị một số tình trạng bệnh lý phụ khoa thông thường; tư vấn và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; tư vấn và thực hiện phá thai an toàn với tuổi thai dưới 7 tuần; chăm sóc sức khỏe trẻ em dưới 5 tuổi; tiêm chủng mở rộng…
Về đào tạo, tại Việt Nam, hộ sinh đã được đào tạo từ những năm 40 của thế kỷ XX, bắt đầu là trường Hộ sinh Đông Dương tại Sài Gòn, sau đó phát triển ra toàn quốc nhưng chỉ dừng lại ở trình độ trung cấp. Từ năm 2010, bắt đầu có đào tạo hộ sinh trình độ cao đẳng (3 năm). Tính đến năm 2013, toàn quốc có 63 cơ sở đào tạo hộ sinh trình độ trung cấp, 20 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và một số trường đại học đào tạo cử nhân điều dưỡng chuyên ngành sản phụ. Ngoài chương trình đào tạo hộ sinh trình độ cao đẳng đã được thiết kế trên cơ sở Chuẩn Năng lực hộ sinh quốc tế, các chương trình khác chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu này. 
Một thực trạng tương tự như nhiều nước trên thế giới và là thách thức đặt ra với công tác đào tạo Hộ sinh Việt Nam là chưa có hộ sinh trình độ đại học trở lên. Vì vậy, giảng viên tham gia đào tạo hầu hết vẫn là đội ngũ đại học và trên đại học các chuyên ngành gần là sản khoa và nhi khoa. Vì vậy, Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam sẽ giúp cho việc thống nhất nội dung đào tạo, phương pháp dạy học cho hộ sinh.
2.2. Hộ sinh quốc tế
Liên đoàn hộ sinh quốc tế (ICM) là Hiệp hội của ngành hộ sinh trên toàn thế giới. ICM phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức của Liên hợp quốc, các Chính phủ nhằm hỗ trợ chương trình “Làm mẹ an toàn và các chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ các gia đình trên toàn cầu”. ICM lãnh trách nhiệm đi đầu trong việc định nghĩa, xây dựng, phác họa khả năng hành nghề hộ sinh trên thực tế (năng lực hộ sinh thiết yếu). ICM cũng phát triển tiêu chuẩn năng lực, khung năng lực và chương trình đào tạo hộ sinh cho các trường y tế, định hướng cho việc phát triển quy chế thực hành hộ sinh; hỗ trợ các quốc gia tăng cường khả năng của các hiệp hội hộ sinh và phát triển lãnh đạo ngành hộ sinh toàn cầu. Với trách nhiệm đó, ICM đã ban hành “ Năng lực cơ bản cho thực hành Hộ sinh” năm 2010 và đã được bổ sung, chỉnh sửa năm 2013.
Thông qua bộ tài liệu này cụm từ “năng lực” được sử dụng rộng rãi cho quản lý hộ sinh, cũng như được sử dụng để thiết kế yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho hộ sinh thực hành an toàn trên mỗi hoạt động của mình. “Năng lực” cũng trả lời cho những câu hỏi “Một hộ sinh sẽ phải hiểu biết những gì?” và “Là hộ sinh thì phải làm gì?”. Những năng lực này đều dựa vào bằng chứng. Hầu hết những năng lực này được xem như cơ bản hoặc cốt lõi, nghĩa là chúng cũng sẽ trở thành tiêu chuẩn đầu ra cho những sinh viên hộ sinh sau khi tốt nghiệp. 
Những năng lực thiết yếu cho thực hành hộ sinh cơ bản được ICM hoàn thành là chuẩn mực và hướng dẫn liên quan đến đào tạo hộ sinh, luật pháp và thực hành lâm sàng. Những năng lực thiết yếu này là kim chỉ nam cho việc biên soạn sách giáo khoa hộ sinh, thông tin chính thức cho các chính phủ, các tổ chức chính sách cần thiết để hiểu sự đầu tư cho hộ sinh là đầu tư cho hệ thống y tế. Những năng lực thiết yếu cho thực hành hộ sinh cơ bản được ICM hoàn thành chuẩn mực và hướng dẫn liên quan đến giáo dục đào tạo hộ sinh, luật pháp và thực hành lâm sàng.
Bên cạnh mô hình và hoạt động của hệ thống y tế, ba yếu tố cơ bản của lực lượng Hộ sinh có chất lượng bao gồm: Đào tạo hộ sinh, Quy định hành nghề  và Phát triển hiệp hội hộ sinh. Ba yếu tố này là quan trọng để xây dựng lực lượng hộ sinh liên tục và có chất lượng cao.

2.1.1.    Đào tạo hộ sinh


Năm 2010, ICM đã xây dựng bộ tiêu chuẩn toàn cầu dành riêng cho đào tạo Hộ sinh. Bộ tiêu chuẩn này đã được bổ sung hoàn thiện vào năm 2013. Theo đó, một hộ sinh viên có đủ trình độ phải qua đào tạo chính quy theo đánh giá về năng lực cơ bản của ICM, bao gồm:
-    Trình độ đầu vào là phổ thông trung học.
-    Thời gian tối thiểu đào tạo Hộ sinh là 3 năm.
-    Nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành Hộ sinh: lý thuyết tối thiểu là 40% và thực hành tối thiểu là 50%.
Đồng thời với đào tạo chính quy, việc đào tạo liên tục cũng hết sức quan trọng và ngày càng thuận tiện nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Đào tạo liên tục là cần thiết cho sự an toàn của người nhận dịch vụ và cũng là trách nhiệm chuyên môn của người hộ sinh, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.

2.1.2.    Quy định hành nghề


Quy định hành nghề là cách để giám sát cán bộ y tế xem có đủ năng lực và kỹ năng làm việc hay không. Các cơ quan quản lý nghiệp vụ y tế khác nhau ở mỗi quốc gia, có chức năng cấp giấy phép hành nghề cho mỗi cá nhân và xử lý hoạt động của người hành nghề.

2.1.3.    Hiệp hội hộ sinh


Yếu tố quan trọng thứ ba là Hiệp hội hộ sinh. Hiệp hội hộ sinh phải chuyên nghiệp và vững mạnh, được sự ủng hộ của các hội viên và được chính phủ, các cơ quan quản lý thừa nhận.

3. Sự cần thiết ban hành Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam

Việc xây dựng và ban hành Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng vì các lý do cơ bản sau đây:

3.1. Đối với cơ sở đào tạo hộ sinh

Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam được ban hành là căn cứ để cơ quan quản lý đào tạo xây dựng Chuẩn Đào tạo hộ sinh Việt Nam; các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra, xác định chương trình, phương pháp và nội dung dạy học phù hợp; Chuẩn đầu ra của đào tạo hộ sinh của các cơ sở đào tạo phải đạt mức độ chuẩn cơ bản của hộ sinh trở lên. Trên cơ sở đó sinh viên hộ sinh phấn đấu học tập và tự đánh giá năng lực nghề nghiệp của bản thân trong quá trình học tập và sau khi ra trường.

3.2. Đối với các cơ quan quản lý và cơ sở sử dụng nhân lực hộ sinh

Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam là cơ sở để các nhà quản lý có kế hoạch và tạo cơ hội để hộ sinh được đào tạo liên tục hoăc tự đào tạo trong quá trình làm việc tại các cơ sở y tế, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em Việt Nam.

3.3. Đối với hộ sinh


Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam là căn cứ để mỗi hộ sinh hoàn thiện và phát triển năng lực của mình trong quá trình làm việc.

 4. Cơ sở xây dựng Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam

-    Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/QH 12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 của Quốc Hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
-    Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
-    Chuẩn Năng lực chung của hộ sinh quốc tế năm 2010 được bổ sung năm 2013 do ICM khuyến cáo.
-    Hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản – Bộ Y tế -  năm 2009.

4.1. Quá trình xây dựng

-    Thành lập Ban biên soạn Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam, gồm các nhà đào tạo, quản lý và xây dựng chính sách y tế, hội Nữ hộ sinh Việt Nam và chuyên gia là hộ sinh.
-    Ban biên soạn đã tiến hành dịch và nghiên cứu Chuẩn Năng lực hộ sinh quốc tế.
-    Ban biên soạn đã xây dựng các bản thảo chuẩn năng lực để xin ý kiến góp ý trong các hội thảo triển khai “Chương trình hành động quốc gia về tăng cường dịch vụ Điều dưỡng – Hộ sinh giai đoạn 2012 – 2020” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
-    Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ sở đào tạo hộ sinh, các bệnh viện, các Vụ, Cục của Bộ Y tế.

4.2    Quá trình phê duyệt của Bộ Y tế


-    Trên cơ sở đề xuất của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã là đầu mối để hoàn chỉnh Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam theo các quy định của Bộ Y tế.
-    Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn thẩm định tài liệu Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam. Hội đồng do PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng và có 9 thành viên. Hội đồng đã họp thẩm định tài liệu và đã có ý kiến góp ý bổ sung về nội dung và thể thức văn bản.
-    Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định ban hành Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam tại Quyết định số 342/QĐ-BYT ngày 24 tháng 01 năm 2014.

5. Tóm tắt nội dung tài liệu

 Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam gồm 7 chuẩn với 102 tiêu chí về kiến thức, 119 tiêu chí về kỹ năng. Các tiêu chí được mã hóa căn cứ theo năng lực như sau:
-    Số thứ tự thứ nhất tương ứng với thứ tự của năng lực.
-    Các chữ trong năng lực: Chữ A tương ứng với lĩnh vực kiến thức; Chữ B tương ứng với lĩnh vực kỹ năng; lĩnh vực thái độ được lồng ghép trong các tiêu chí kiến thức và kỹ năng.
-    Số thứ tự thứ 2 tương ứng với thứ tự của tiêu chí trong năng lực đó.
Ví dụ: 1A5 nghĩa là: năng lực thứ nhất, tiêu chí thứ 5 của lĩnh vực kiến thức. 5B11 nghĩa là: năng lực thứ 5, tiêu chí thứ 11 của lĩnh vực kỹ năng.
Chuẩn năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam được sắp xếp với 2 mức độ:
-    Cơ bản: tương ứng với trình độ đào tạo Cao đẳng (3 năm).
-    Mở rộng: Những năng lực này người hộ sinh có thể thu nhận qua các hình thức đào tạo khác nhau như: đào tạo trình độ cao hơn, đào tạo liên tục.

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ về ngân sách và kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) và các chuyên gia trong quá trình xây dựng Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, các cơ sở đào tạo, sử dụng nhân lực hộ sinh và hộ sinh sử dụng “Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam” để hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ hộ sinh, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế./.


 

BỘ Y TẾ
In ấn |   Gửi đi
 Các bài viết khác
Ngày Nữ hộ sinh quốc tế 5/5: Tôn vinh những anh hùng thầm lặng
HỒI SỨC TIM PHỔI SƠ SINH
XỬ TRÍ TÍCH CỰC GIAI ĐOẠN 3 CHUYỂN DẠ
Mô hình thành công của một Trung tâm Tư vấn & Dịch vụ Sức khỏe sinh sản - SKSS Vị thành niên/Thanh niên thuộc Hội nữ hộ sinh Việt Nam
Các biện pháp tránh thai hiện đại
Vai trò của nữ hội sinh trong chương trình phát hiện sớm Ung thư cổ tử cung tại cộng đồng
Chủ tịch ICM Bridget Lynch gửi "Lời chào mừng đến các nữ hộ sinh trên toàn thế giới"
VAM Webmail Login
Email: @vam.org.vn
Password:
 
Sự kiện

  02/12/2024- Những dấu hiệu bất thường về rốn của trẻ sơ sinh cha mẹ cần biết
  20/11/2024- Rối loạn chuyển hóa ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết
  15/11/2024- Mẹ bầu cần biết nguyên nhân và triệu chứng khi bị nhau tiền đạo
  04/11/2024- Đái tháo đường thai kỳ: Mẹ cần biết để bảo vệ thai nhi khỏe mạnh
  01/11/2024- Ai có nguy cơ bị viêm vùng chậu?
  26/10/2024- Máu cuống rốn là gì? Vì sao cần lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn?
  26/10/2024- Viêm ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị
  11/10/2024- Nguyên nhân và dấu hiệu khi mẹ bị hồ huyết bánh nhau
  11/10/2024- Dấu hiệu cảnh báo ung thư phụ khoa
  03/10/2024- Các biện pháp điều trị tình trạng đa ối
Xem tất cả
Liên kết email