Vô sinh do nữ chiếm 40% tổng số trường hợp vô sinh nói chung, tình trạng này ảnh hưởng xấu lên đời sống tình cảm, tinh thần và hôn nhân của 2 vợ chồng. Vậy nguyên nhân do đâu và biểu hiện thế nào khi nữ giới bị vô sinh.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây vô sinh ở nữ giới trong đó có thể là:
Nguyên nhân do vòi tử cung: là do các bệnh lý như viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục, tiền sử phẫu thuật vùng chậu và vòi tử cung, lạc nội mạc tử cung ở vòi tử cung, bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung hay do triệt sản gây ảnh hưởng, tổn thương tới vòi tử cung.
Nguyên nhân do tử cung: Các bệnh lý như u xơ tử cung, viêm dính buồng tử cung và các bất thường bẩm sinh ở tử cung cũng là nguyên nhân gây vô sinh.
Nguyên nhân do bất thường phóng noãn: Vòng kinh không phóng noãn là do ảnh hưởng của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng gây vô sinh nữ.
Nguyên nhân do cổ tử cung: Do cổ tử cung có kháng thể kháng tinh trùng, chất nhầy kém, cổ tử cung bị tổn thương do can thiệp thủ thuật, polyp cổ tử cung.
Nguyên nhân do các khối lạc nội mạc tử cung.
Nguyên nhân do lối sống sinh hoạt: nhiều trường hợp nữ vô sinh là do lối sống sinh hoạt hàng ngày không lành mạnh, thức khuya và thường xuyên sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe sinh sản.
Vô sinh không rõ nguyên nhân: Theo nghiên cứu thì có khoảng 10% bệnh nhân nữ bị vô sinh mà không tìm được nguyên nhân chính xác dù đã thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết.
Biểu hiện vô sinh ở phụ nữ
Có thể nhận biết vô sinh nữ qua một số dấu hiệu như sau:
Rối loạn kinh nguyệt: Rối loạn kinh nguyệt được thể hiện rất rõ qua các hiện tượng: kinh nguyệt không đều, chu kì kinh nguyệt không đều; lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít (ít hơn 40ml/chu kì và nhiều hơn 80ml/ chu kì); máu kinh có màu không bình thường (màu thâm, đen); máu kinh vón cục; số ngày hành kinh quá dài hoặc quá ngắn (ít hơn 3 ngày và nhiều hơn 10 ngày trong một chu kì kinh); bị đau bụng kinh. Rối loạn kinh nguyệt có thể do hormone sinh dục nữ chưa ổn định (đặc biệt là ở tuổi dậy thì). Nhưng nếu hiện tượng rối loạn kinh nguyệt kéo dài hoặc kinh nguyệt đang bình thường nhưng lại bị rối loạn, thì rất có thể nữ giới bị vô sinh.
Vô kinh hay còn gọi là không có kinh nguyệt: Thông thường nữ giới bước vào tuổi dậy thì (trung bình là 16 – 18 tuổi) sẽ có kinh nguyệt. Nếu bước vào tuổi trưởng thành mà nữ giới vẫn chưa có kinh hoặc đang có kinh nhưng đột nhiên lại mất kinh ít nhất khoảng 3 tháng liên tiếp, thì được cho là vô kinh và dễ bị vô sinh. Vô kinh có thể bắt nguồn từ yếu tố nội tiết không ổn định. Nhưng cũng có thể do nữ giới không có buồng trứng hoặc trứng không rụng.
Tiết nhiều khí hư bất thường: khí hư ở một người phụ nữ bình thường sẽ có màu trắng trong, không mùi hoặc mùi tanh nhẹ, hơi dính và nhớt. Khí hư có chức năng giữ ẩm cho âm đạo, bôi trơn khi quan hệ tình dục và vận chuyển, nuôi dưỡng tinh trùng. Khí hư bất thường thể hiện ở: màu sắc, mùi của khí hư không bình thường; khí hư ra nhiều… Khí hư bất thường có thể do nữ giới mắc một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa, các bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Mặt khác, khí hư bất thường còn có thể cản trở tinh trùng đi gặp trứng hoặc tiêu diệt tinh trùng khi vào trong âm đạo, do đó nữ giới không thể thụ thai.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các bạn nữ có tuyến vú không phát triển khi bước vào tuổi trưởng thành (vú quá nhỏ); thường xuyên bị đau khi hành kinh hoặc khi giao hợp… nguy cơ bị vô sinh cũng rất cao.
Cần làm gì khi có biểu hiện vô sinh ở nữ giới?
Với trường hợp 2 vợ chồng có quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng các biện pháp tránh thai nào sau 1 năm trở lên nhưng chưa có em bé, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Hầu hết phụ nữ vô sinh đều phải được điều trị bằng thuốc ở một chừng mực nào và phải tuân thủ theo liều dùng trong đơn thuốc. Sau đó tùy theo tình hình, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp như:
Phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI): Tinh trùng sau khi đã được xử lý và nuôi dưỡng khỏe mạnh sẽ được bơm trực tiếp vào tử cung. Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian và khoảng cách tinh trùng phải di chuyển đến trứng. IUI còn được gọi là thụ tinh thay thế hoặc thụ tinh nhân tạo.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Người phụ nữ phải uống thuốc làm cho trứng chín. Bác sĩ sẽ tách trứng này ra và cho kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Sau khi một số trứng đã được thụ tinh, bác sĩ sẽ đưa một hoặc vài trứng đó vào tử cung. Mang thai xảy ra nếu một hoặc nhiều trứng đã thụ tinh bám lấy thành cử cung.
Nuôi trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM – in vitro maturation): Đây là cách điều trị dùng cho bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang. Quy trình nuôi trưởng thành trứng trong ống nghiệm tương tự IVF. Tuy nhiên, còn có thêm công đoạn nuôi trưởng thành trứng trong ống nghiệm trước khi thực hiện công đoạn tạo phôi. Tỉ lệ thành công của IVM hiện là 30 – 35%.
Với các trường hợp vô sinh nữ do lối sống sinh hoạt thì có thể thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,… Hiện nay, có rất nhiều cách để chữa và điều trị vô sinh nữ nhờ sự phát triển của y học vì vậy, khi thấy có các biểu hiện nghi ngờ hoặc có quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng các biện pháp tránh thai nào sau 1 năm trở lên nhưng chưa có em bé, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia để được thăm khám và tư vấn kịp thời.