Bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia có thể gây ra những vấn đề gì?

- 03/04/2023 14:20:51

Khi được tặng tấm phiếu khám sức khỏe sinh sản từ một người bạn, chị Hồng Ch. đã quyết định đi khám. Sau khi được khám và xét nghiệm, bác sĩ đã kết luận chị bị nhiễm Chlamydia - một bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

 

Chị Hồng Ch, (24 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thật sự ngạc nhiên với kết quả mà bác sĩ thông báo. Không tin vào kết quả này, chị Ch, một lần nữa tự đến một bệnh viện tuyến cao hơn và cũng nhận được kết quả như bệnh viện đầu tiên.

 

Chị Ch. cho biết, chị không có một dấu hiệu hay triệu chứng nào để cảm thấy mình bị bệnh, chị đã đặt ra những thắc mắc về bệnh Chlamydia để mọi người cùng biết và phòng tránh. Chị Ch, đã được bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương giải đáp những thắc mắc xung quanh căn bệnh mà chị đang mắc phải bao gồm triệu chứng, biến chứng có thể gặp và phương pháp điều trị.
 

Các triệu chứng của Chlamydia 

Bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia có thể gây ra những vấn đề gì? - Ảnh 2.

Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis.


Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, được gây ra bởi vi khuẩn có tên là Chlamydia Trachomatis. Bất cứ ai cả nam giới và nữ giới cũng có thể bị nhiễm Chlamydia. Nó thường không gây ra các triệu chứng, vì vậy mọi người có thể không biết rằng họ mắc bệnh này.
 

Một người có thể bị nhiễm Chlamydia khi quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm Chlamydia. Người mang thai cũng có thể truyền Chlamydia cho em bé trong khi sinh.
 

Nếu đã từng bị nhiễm Chlamydia và đã được điều trị trước đây, có thể bị tái nhiễm nếu quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh này.
 

Chlamydia thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy, có thể không nhận ra rằng bản thân đang mắc bệnh. Nhưng ngay cả khi không có triệu chứng, vẫn có thể truyền bệnh cho người khác.
 

Nếu có các triệu chứng, có thể không xuất hiện cho đến vài tuần sau khi quan hệ tình dục với người nhiễm Chlamydia.
 

Các triệu chứng ở phụ nữ bao gồm như: Tiết dịch âm đạo bất thường, có thể có mùi nồng; cảm giác nóng rát khi đi tiểu; Nếu nhiễm trùng lây lan, có thể bị đau bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục, buồn nôn và sốt.
 

Các triệu chứng ở nam giới bao gồm: tiết dịch niệu đạo; Cảm giác nóng rát khi đi tiểu; Đau và sưng ở một hoặc cả hai tinh hoàn mặc dù điều này ít phổ biến hơn.
 

Nếu Chlamydia lây nhiễm vào trực tràng (ở nam giới hoặc phụ nữ), nó có thể gây đau trực tràng, tiết dịch và chảy máu.
 

Để chẩn đoán xác định nhiễm Chlamydia cần làm xét nghiệm qua mẫu nước tiểu của người bệnh hoặc lấy mẫu từ âm đạo như PCR Chlamydia, ELISA tìm IgA, IgG, IgM hoặc test nhanh Chlamydia tìm kháng nguyên vi khuẩn Chlamydia...
 

Ai nên được xét nghiệm Chlamydia?

Nên đến bác sĩ để xét nghiệm nếu có các triệu chứng của Chlamydia hoặc nếu chồng/vợ hay đối tác có bạn tình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm khi đi khám thai lần đầu. Những người có nguy cơ cao hơn nên được kiểm tra Chlamydia hàng năm là những phụ nữ quan hệ tình dục sớm và có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục đồng giới nam.
 

Chlamydia có thể gây ra những vấn đề gì?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia có thể gây ra những vấn đề gì? - Ảnh 4.

Bệnh Chlamydia gây ra viêm tử cung và vòi tử cung.

Bệnh Chlamydia nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng làm cha, làm mẹ.
 

Ở phụ nữ, nhiễm trùng không được điều trị có thể lan đến tử cung và vòi tử cung, gây ra bệnh viêm vùng chậu. Bệnh viêm vùng chậu có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống sinh sản. Điều này có thể dẫn đến đau vùng chậu lâu dài, vô sinh và mang thai ngoài tử cung. Những phụ nữ đã bị nhiễm Chlamydia hơn một lần có nguy cơ cao bị biến chứng sức khỏe sinh sản nghiêm trọng.
 

Đàn ông thường ít gặp vấn đề về sức khỏe do Chlamydia. Đôi khi nó có thể lây nhiễm mào tinh hoàn (ống mang tinh trùng). Điều này có thể gây đau, sốt và hiếm khi gây vô sinh.

Cả nam và nữ đều có thể bị viêm khớp phản ứng do nhiễm Chlamydia. Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp xảy ra như một "phản ứng" đối với nhiễm trùng trong cơ thể.
 

Trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm bệnh có thể bị nhiễm trùng mắt và viêm phổi do chlamydia, cũng có thể làm cho em bé được sinh ra quá sớm (sinh non).
 

Các phương pháp điều trị Chlamydia 

Thuốc kháng sinh điều trị khỏi nhiễm trùng, người bệnh cần tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Để tránh lây bệnh cho vợ/ chồng, không nên quan hệ tình dục cho đến khi hết nhiễm trùng. Nếu đã tiêm một liều kháng sinh, nên đợi 7 ngày sau khi uống thuốc mới được quan hệ tình dục trở lại. Nếu phải uống thuốc hàng ngày trong vòng 7 ngày, không nên quan hệ tình dục trở lại cho đến khi uống hết các liều thuốc.
 

Việc bị nhiễm trùng lặp lại là điều bình thường, vì vậy cần đi xét nghiệm lại khoảng ba tháng sau khi điều trị.
 

Chlamydia có thể được ngăn chặn?

Cách chắc chắn duy nhất để ngăn ngừa chlamydia là không quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với những người mới quen mà chưa biết rõ về tình trạng sức khỏe.
 

Nếu có nhu cầu quan hệ tình dục, cần làm theo các cách như sau:
 

Quan hệ chung thủy một vợ một chồng hay khi chưa lập gia đình chỉ quan hệ duy nhất một bạn tình và biết rõ về tình trạng sức khỏe của đối tác.
 

Sử dụng bao cao su, màng chắn đúng cách khi quan hệ tình dục;

Trong thời gian bị nhiễm bệnh và khi đang điều trị bệnh tuyệt đối không quan hệ tình dục;

Nếu một trong hai người quan hệ mật thiết với nhau bị Chlamydia, cần chủ động động viên tích cực điều trị đến khi khỏi bệnh.

Đi khám và làm xét nghiệm định kỳ để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.