Chuẩn bị cho việc sinh em bé

- 19/03/2010 09:25:36

Khi gần đến ngày sinh , các bà mẹ đều hồi hộp , nôn nóng và lo âu chờ đợi giây phút em bé chào đời.Đối với các bà mẹ trẻ, chuẩn bị sinh lần đầu thì đây là một thử thách mới lạ mà các bà mẹ cần phải vượt qua. Để các bà mẹ có thể tự tin và chuẩn bị tốt hơn cho việc sinh nở,mời các bạn tham khảo một số gợi ý sau đây. Từ những gợi ý này các bạn sẽ chọn lựa và sắp đặt kế hoạch sinh em bé một cách hoàn hảo nhất .


1.Chuẩn bị cho việc sinh em bé.
   
A. Bạn sẽ sinh em bé ở đâu? Tại bệnh viện hay tại các nhà hộ sinh? Để có câu trả lời thích hợp bạn cần bàn bạc với chồng và hỏi ý kiến của những người thân hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ về tình trạng thai nghén của mình để đưa ra quyết định hợp lý nhất.

B. Ai sẽ là người cùng bạn chia sẻ những giây phút trọng đại này?
Chắc chắn là chồng bạn rồi nhưng nếu đây là em bé đầu tiên của bạn, cả bạn và chồng đều chưa có kinh nghiệm thì tốt nhất nên mời thêm người có kinh nghiệm cùng đi với bạn có thể là bà nội hay bà ngoại… điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn cũng như ông xã cả về mặt tâm lý nữa.

C. Các đồ dùng cần thiết cho bạn và bé trong những ngày tại bệnh viện? bạn nên chuẩn bị một túi xách vài tuần trước ngày dự sinh, trong túi này phải có đầy đủ các thứ sau đây:
 


 - Cho mẹ :

    + quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi, nên có nút gài trước ngực để thuận tiện cho bé bú.
    + Vớ chân.
    + Khăn lông ( khăn mặt), bàn chải, kem đánh răng, lược chải đầu, băng vệ sinh…
    + Bình đựng nước uống và ly pha sữa…
    + Sổ ghi các số điện thoại hay dịch vụ cần thiết

- Cho con:


    + Quần áo bằng vải coton hay thun coton mềm, mát, áo len (trời rét)
    + Mũ vải, bao chân, bao tay.
    + Khăn lông (khăn mặt), khăn tắm, khăn lau miệng (khăn bú sữa)
    + Băng rốn, tã lót, giấy vệ sinh mềm.

Bạn cần tính toán trước quảng đường di chuyển từ nhà đến bệnh viện , thời gian và phương tiện di chuyển.
Chuẩn  bị các giấy tờ cần thiết khi nhập viện sinh em bé? Bạn cần chuẩn bị giấy khám thai có kèm đầy đủ các phiếu xét nghiệm và siêu âm trong suốt thai kỳ, chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm (nếu có) . Lưu ý khi khai tên tuổi mẹ phải đúng theo hộ khẩu đăng ký thường trú.

Chuẩn  bị phòng cho bạn và bé khi về nhà :


    - phòng phải sạch sẽ, sáng sủa và thông thoáng có màn che cửa để giảm bớt ánh sáng tự nhiên khi cần thiết. Có đèn ngủ, ánh sáng mờ nhạt vào ban đêm.
    - phòng sắp xếp gọn gàng một giường, một ghế, một tủ chứa tất cả các đồ đạc cần thiết cho bạn và bé.
    - Trong những tuần đầu bé có thể nằm chung với bạn, sau đó bạn nên tập cho bé nằm riêng ở giường của bé.

   * vấn đề tài chính sau khi sinh em bé, việc chi tiêu cho nhu cầu của bé có đắt đỏ quá không?


    - Hầu như tất cả các bà mẹ đều có sự chuẩn bị tài chính ngay từ khi mới bắt đầu có kế hoạch sinh em bé, dự trù các khoản chi tiêu cần thiết hàng tháng chứ không phải đợi cho đến khi em bé chào đời bạn mới cần chi tiêu nhiều.
- Thật ra, sau khi chào đời em bé của bạn không đòi hỏi gì nhiều, điều quan trọng nhất đối với bé là được ở bên cạnh mẹ, được bạn yêu thương chăm sóc, được bú sữa mẹ và giữ ấm cơ thể.
    - Còn về các vật dụng khác cho bé bạn có thể hỏi kinh nghiệm từ người thân hoặc bạn bè để mua sắm đúng những thứ bé cần, tránh lãng phí cho những vật dụng không phù hợp.

2. Thời điểm chuyển dạ



Dấu hiệu chuyển dạ
:

    - Bắt đầu từ tuần thứ 36: bạn sẽ có những cơn đau nhẹ hay còn gọi là chuyển dạ giả, nguyên nhân là do tử cung thường xuất hiện những cơn co cứng, không đau, đây là những cơn đau bình chỉnh để giúp thai nhi lọt vào khung chậu của mẹ
    - Tuần thứ 38: những cơn đau, mỏi ở hông và vùng xương chậu sẽ xuất hiện nhiều hơn. Cơn chuyển dạ thật sự có thể bắt đầu bất cứ lúc nào từ thời điểm này.

* Trước chuyển dạ: các dấu hiệu sau đây sẽ báo cho bạn biết thời điểm chuyển đã đến và bạn cần di chuyển vào bệnh viện ngay:


    + Ra nút nhày tử cung, màu hồng hoặc màu nhựa chuối.
    + Đau thắt lưng nhiều hơn
    + Cơn co bóp tử cung tăng nhiều hơn, có cơn đau nhưng chưa đau nhiều.
    + Các tư thế thích hợp trong thời điểm này:   

•    Ngồi: quay mặt vào lưng ghế, hai đầu gối dang ra, lưng thẳng, mặt có thể tựa lên thành ghế. Ở tư thế này thân bạn sẽ được nâng đỡ thẳng, khung chậu mở ra.
•    Ngồi lên một ghế đẩu thấp: dạng hai đầu gối, 2 khuỷu tay có thể tỳ lên 2 đầu gối ở tư thế này sẽ làm tăng cơn co thắt, khung chậu mở ra và em bé hạ xuống.
•    Nằm: khi thấy mệt bạn có thể nằm xuống, nghiêng một bên, kê bụng lên một cái gối mềm, không nên nằm ngửa.

* Chuyển dạ thật sự:


+ Cơn co tử cung có đau và đau thành từng cơn.
+ Cơn đau tăng dần, kéo dài trong 10-20 giây, nhịp nhàng khoảng 10 phút một cơn đau.
+ Âm đạo ra chất nhầy nhiều hơn, đôi khi có máu
+ Rặn đưa em bé ra là một việc khó khăn, bạn nên thực hiện từ từ và nhịp nhàng, như thế các cơ ở âm đạo và tổ chức từ từ giản ra để đầu em bé lọt ra từ từ.
+ Dấu hiệu trước khi em bé chào đời là vùng đáy chậu và hậu môn phình lên, đầu em bé xuất hiện trong khi âm đạo mở rộng. Chính thời khắc này bạn cảm thấy đau dữ dội là do em bé bị đẩy mạnh vào âm đạo. Em được sinh ra rất nhanh vào thời điểm này, có khi chỉ sau vài cơn co thắt là đầu và thân bé lọt ra ngoài. Nhưng đôi khi trình tự này có thể diễn ra lâu hơn.