Nguyên nhân gây đầy hơi, chướng bụng trước kỳ kinh nguyệt và cách xử trí

- 28/02/2022 10:09:36

Hội chứng tiền kinh nguyệt là tình trạng phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải trước kỳ kinh nguyệt. Nó có thể gây ra những thay đổi cả về thể chất và tâm trạng như: chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón và đầy hơi.



1. Nguyên nhân nào gây ra đầy hơi, chướng bụng kỳ kinh nguyệt?

Đối với một số phụ nữ, sự dao động của hormone estrogen và progestencó thể gây ra đầy bụng và đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt. Mức độ tăng của estrogen trong những ngày trước kỳ kinh ảnh hưởng đến các thụ thể estrogen trong dạ dày và ruột non. Mức độ estrogen cao hơn này có thể gây ra: đầy hơi, táo bón, tích tụ không khí và khí trong đường ruột.

Estrogen và progesterone cũng có thể ảnh hưởng đến việc giữ nước. Khi mức độ estrogen tăng lên và mức progesterone suy giảm, phụ nữ có xu hướng giữ nước nhiều hơn bình thường. Điều này thường dẫn đến đầy hơi.

2. Làm gì với đầy hơi, chướng bụng kỳ kinh nguyệt?

Có 4 cách có thể giúp phụ nữ giảm chướng bụng, đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt là kiểm soát sinh sản, tập thể dục, ăn uống và sử dụng thuốc không kê đơn (OTC).

2.1 Uống thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai dạng viên có thể cải thiện tình trạng chướng bụng, đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt.




Thuốc tránh thai có thể là một lựa chọn cho phụ nữ để giảm triệu chứng chướng bụng, đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt. Thuốc viên tránh thai có thể giúp cải thiện tình trạng đầy hơi trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, phụ nữ cần đi khám để được bác sĩ tư vấn và cho sử dụng loại thuốc phù hợp.

2.2 Vận động và thể dục

Vận động hay tập thể dục thường xuyên cũng có thể làm giảm bớt một số cảm giác khó chịu do chướng bụng, đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt.

2.3 Chế độ ăn uống


Mặc dù chướng bụng, đầy hơi liên quan đến kỳ kinh của phụ nữ không hoàn toàn liên quan đến thực phẩm, nhưng một số loại thực phẩm được biết là gây ra khí và có thể làm tăng thêm cảm giác khó chịu.


Hạn chế ăn những thực phẩm này trước và trong kỳ kinh nguyệt có thể hữu ích. Một số loại thực phẩm có thể góp phần gây ra khí thừa và đầy hơi, bao gồm: đậu, bông cải xanh, bắp cải, súp lơ trắng, đậu lăng, nấm, hành, đậu Hà Lan, thực phẩm ngũ cốc, bia và đồ uống có ga khác cũng có thể làm tăng chướng hơi, đầy bụng.

2.4 Các biện pháp sử dụng các loại thuốc không kê đơn

Thực phẩm bổ sung lactase là các enzym tiêu hóa giúp cơ thể tiêu hóa đường lactose làm giảm các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng.




Đối với nhiều người, có thể áp dụng biện pháp khắc phục bao gồm:

Than hoạt tính: Mặc dù không được hỗ trợ bởi nghiên cứu lâm sàng, than hoạt tính uống trước và sau bữa ăn có thể làm giảm các triệu chứng đầy hơi. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm này, vì than hoạt tính có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc.

Alpha-galactosidase: là một chất bổ sung dùng trước khi ăn. Nó hỗ trợ cơ thể bạn phân hủy carbohydrate trong đậu và rau.

Simethicone: Mặc dù có rất ít bằng chứng lâm sàng cho rằng nó làm giảm các triệu chứng đầy hơi, nhưng simethicone giúp phá vỡ các bong bóng khí và có thể giúp khí di chuyển qua hệ tiêu hóa.

Thực phẩm bổ sung lactase: Các chất bổ sung này là các enzym tiêu hóa giúp cơ thể tiêu hóa đường lactose, đường trong các sản phẩm từ sữa. Nếu không dung nạp lactose, chúng có thể làm giảm các triệu chứng đầy hơi, tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần thảo luận trước với bác sĩ.

3. Lời khuyên của bác sĩ

Chướng bụng và đầy hơi là các triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt. Phụ nữ có thể giảm bớt sự khó chịu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống của mình, chẳng hạn như hạn chế ăn các thực phẩm gây đầy hơi, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc không kê đơn.

Nếu phụ nữ thấy rằng đầy hơi đang làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, hãy thảo luận với bác sĩ về các triệu chứng để tìm các giải pháp tốt nhất.