“Tất tần tật” về sinh con lần thứ 2 mẹ nên biết để chuẩn bị tâm lý

- 20/11/2021 09:45:28

Hành trình mang thai và sinh con lần thứ 2 có nhiều khác lạ so với lần đầu tiên. Do đó, mẹ cần chuẩn bị tâm lý để không bị ngỡ ngàng về sự thay đổi này.

 

1. Tiêm phòng khi sinh con lần thứ 2

Trước khi mang thai lần đầu tiên, bạn đã tiêm phòng gần như đầy đủ nên cơ thể đã được bảo vệ trong lần mang thai thứ 2. Nếu mẹ đã tiêm đủ 5 mũi uốn ván trước thai kỳ thì không cần phải tiêm lại, nếu chưa đủ thì tiêm thêm 1 mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ. Nhưng nếu đã tiêm đủ 5 mũi nhưng mũi cuối cùng cách thời điểm mang thai trên 10 năm thì cũng cần tiêm nhắc lại. Trong trường hợp, đã tiêm đủ 3-4 mũi từ trước nhưng lần cuối tiêm đã trên 1 năm thì vẫn nên tiêm nhắc lại thêm 1 mũi để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

sinh con lan thu hai


Đối với các mũi tiêm phòng như sởi, thủy đậu, rubella…nếu mẹ chưa tiêm ở lần mang thai đầu tiên thì nên tiêm phòng trước khi mang thai lần 2 tối tiểu 3 tháng để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Đối với các mũi bệnh cúm, mẹ nên tiêm trước khi mang thai lần 2 tối thiểu 1 tháng để phòng ngừa trong thai kỳ.

2. Sinh con lần thứ 2 cảm giác mệt mỏi và đau nhức nhiều hơn

Mang thai lần thứ 2 mẹ nên chuẩn bị sẵn tinh thần, vì có thể sẽ mệt mỏi hơn lần đầu tiên. Lúc này mẹ sẽ không còn nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân nữa mà phải vừa chăm lo cho con đầu vừa phải lưu ý chăm sóc thai kỳ. Nếu như mang thai lần đầu, tuy có nhiều thay đổi nhưng mẹ sẽ có nhiều thời gian để lướt web, đọc sách… tiếp thu kiến thức về nuôi dạy trẻ. Thì khi sinh con lần thứ 2, mẹ hầu như không còn các “đặc quyền” đó nữa.

sinh con lan thu hai

3. Sinh mổ lần 2 đau hơn lần 1

Sinh mổ lần 2 đau hơn lần 1 được lý giải bởi 2 yếu tố dưới đây:

  • Đau tại vị trí vết mổ: lúc này vết mổ mới chồng lên vết mổ cũ, có khi vết mổ cũ chưa lành hoàn toàn nên thời gian lành vết mổ cũng sẽ lâu hơn khiến mẹ cảm thấy đau hơn

  • Đau vì cơn co tử cung: do tử cung phải co lại sau khi bị giãn trong quá trình mang thai, tuy nhiên tử cung của phụ nữ sinh con lần 2 sẽ chậm co lại hơn lần 1 do mức độ đàn hồi kém đi. Quá trình này cũng diễn ra không thuận lợi như lần thứ nhất nên sẽ khiến mẹ bầu đau đớn hơn.

sinh con lan thu 2

Nếu sinh con cả 2 lần đều bằng phương pháp sinh mổ, mẹ nên vệ sinh vết mổ đúng cách, ăn thức ăn giàu sắt, hạn chế ăn các thực phẩm khiến vết sẹo lâu lành như thịt gà. Đồng thời các mẹ nên hạn chế vận động mạnh, chạy, bơi lội, thể dục thể thao quá mức… chườm bụng bằng nước ấm hay túi chườm chuyên dụng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

4. Khoảng cách giữa 2 lần sinh mổ

Theo bác sĩ sản khoa khuyến cáo, ít nhất sau 2 năm mổ lần thứ nhất mẹ mới nên tiếp tục mang thai và sinh con thứ 2. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để vết mổ lần 1 đã lành hẳn và giảm thiểu nguy cơ cho mẹ khi tử cung và vùng bụng giãn nở lớn trong thời kỳ mang thai lần 2. Bởi trong quá trình mang thai, nếu thai phát triển quá lớn có thể dẫn đến bục hoặc rò rỉ vết mổ gây nguy hiểm cho cả hai.

Nếu các mẹ sinh con lần thứ 2 sớm hơn thời gian 2 năm thì trong thai kỳ cần phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để cơ thể không tăng cân quá nhiều và thai nhi phát triển bất thường. Đồng thời, các mẹ cũng nên chú ý việc khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường. Bên cạnh đó, có thể mẹ sẽ được chỉ định mổ sớm hơn ngày dự sinh để đảm bảo an toàn, mẹ tròn con vuông trong trường hợp có nguy cơ.