Người phụ nữ năng động

- 23/02/2011 06:14:32

(TTH) - Chị là Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Nữ hộ sinh quốc tế, một chức vụ không to nhưng cũng không hề nhỏ. Thông minh và năng động. Bí quyết thành công của chị là phải thông thạo ngoại ngữ (tiếng Anh), phải hiểu sâu về chuyên môn mà cái gốc là Tổ chức Nữ hộ sinh của Việt Nam và thế giới. Phải biết thuyết phục các nhà tài trợ, biết lấy tài trợ để phát triển tài trợ, tạo ra lòng tin và hiệu quả của các dự án.


Chị Phan Thị Hạnh đã là Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam trong nhiều năm nay. Không ít người muốn ngồi trên “chiếc ghế nóng” Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam. Nhưng rồi, như duyên số, qua các kỳ đại hội, chức Chủ tịch vẫn thuộc về Phan Thị Hạnh. Chị tâm sự: Thực lòng mà nói, khi đứng ở ngoài cuộc nhiều người vẫn cho rằng, Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh đi nước ngoài như đi chợ, sướng quá đi chứ! Song đi nước ngoài không phải là đi cho biết đây biết đó mà thực sự phải có kiến thức, phải có ngoại ngữ thông thạo, nhất là chuyên môn để trao đổi, thuyết phục các tổ chức, các nhà tài trợ. Nói cách khác, đi nước ngoài là để tìm tài trợ, tìm các dự án; đồng thời, có cơ hội tốt để giới thiệu với bạn bè quốc tế về Việt Nam đang đổi mới và về tổ chức Hội Nữ hộ sinh Việt Nam.

 

 



Họat động của Hội Nữ hộ sinh Việt Nam không phải chỉ toàn thắng lợi dễ dàng mà đã trải qua rất nhiều cam go, thử thách. Hội Nữ hộ sinh Việt Nam là một tổ chức hội nghề nghiệp NGO, phải tự lo liệu các họat động, tự thu tự chi và phải chịu trách nhiệm, phải chi tiền lương cho tất cả nhân viên. Hội đã tổ chức hàng chục cuộc tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, cho cộng đồng, mở rộng công tác truyền thông, nhất là trong giới trẻ. Hội hợp tác chặt chẽ với các Liên đoàn Nữ hộ sinh quốc tế, như Nhật Bản, Nauy, Áo, Hoa Kỳ, Úc. Mặt khác, do công tác đối ngoại tốt nên có nhiều tổ chức quốc tế, như UNICEF, UNPA, WHO, PATHINDER, INTERNATIONAL, IPAS và các tổ chức quốc tế tài trợ cho các dự án về sức khỏe sinh sản.

Phát triển hội là một nhiệm vụ hàng đầu của Ban chấp hành Hội Nữ hộ sinh Việt Nam. Tính đến nay, hội đã phát triển được 15 chị hội với 3.500 hội viên. Dù còn khiêm tốn (Indonesia có đến 18.000 hội viên) nhưng đó cũng là một thành công. Các dự án được triển khai, như Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa; Chăm sóc sức khỏe vị thành niên; Cung cấp dịch vụ và và thay đổi hành vi tiếp cận và sử dụng dịch vụ dành cho vị thành niên và thanh niên; Truyền thông vận động phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tại Thừa Thiên Huế; Tăng cường năng lực tổ chức và đào tạo cho Hội Nữ hộ sinh Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế tại Việt Nam đều đúng yêu cầu của các nhà tài trợ và góp phần nâng cao kiến thức cộng đồng, nhất là cho chị em phụ nữ.

 



Tại Đại hội toàn thế giới lần thứ 26 ở Viên (Áo), chị Phan Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam được Liên đoàn Nữ hộ sinh thế giới và Trường đại học Columbia (Hoa Kỳ) trao tặng giải thưởng quốc tế về những thành tựu mà hội và chị Hạnh đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Hội Nữ hộ sinh Việt Nam chứng tỏ rằng, đã hoạt động có mục đích rõ ràng, có đối tượng rất phù hợp. Hội cũng đã khẳng định chỗ đứng của mình trong việc nâng cao trình độ cũng như chất lượng sống cho của chị em phụ nữ và sức khỏe sinh sản vị thành niên. Trong thực tế, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã là hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, mạnh về số lượng, vững về chất lượng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là lĩnh vực làm mẹ an toàn, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Chị Phan Thị Hạnh có một ước nguyện làm hết sức mình để cho Hội Nữ hộ sinh Việt Nam ngày càng phát triển; có thêm nhiều dự án, nhiều bạn mới trong thời gian tới. Với tầm nhìn và với năng lực của chị Hạnh cũng như của Hội Nữ hộ sinh Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng, hội sẽ gặt hái được những thành tựu lớn hơn, to đẹp hơn, vững chắc hơn.

Lê Viết Xê ( Nguyên Phó Chủ Tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế)