Tác động của HIV và STI đến khả năng sinh sản

- 07/08/2024 16:13:42

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là những vấn đề sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây vô sinh, ung thư và biến chứng thai kỳ… đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc lây truyền HIV.

Hiểu về HIV và các triệu chứng của bệnh

HIV làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể bằng cách nhắm vào các tế bào CD4 trong hệ thống miễn dịch. Nếu không được điều trị, nó có thể lây truyền qua máu, quan hệ tình dục không an toàn hoặc từ mẹ sang con và cũng có thể dẫn đến AIDS.
 

HIV ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ thông qua các yếu tố sinh học và tâm lý xã hội:
 

- Ở nam giới, HIV có thể làm suy yếu chất lượng tinh trùng, khả năng vận động và làm giảm nồng độ testosterone, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn.
 

- Phụ nữ nhiễm HIV có thể bị chu kỳ kinh nguyệt không đều, giảm chất lượng trứng và tỷ lệ sinh thấp hơn. Ngoài ra, HIV có thể dẫn đến các tình trạng như bệnh viêm vùng chậu (PID), làm tổn thương ống dẫn trứng, buồng trứng và tử cung. Các yếu tố tâm lý xã hội, chẳng hạn như sợ hãi, căng thẳng, kỳ thị, có thể ảnh hưởng thêm đến khả năng sinh sản và quyết định sinh con.
 

Tác động của HIV/AIDS và STI đến khả năng sinh sản: Những điều các cặp đôi Ấn Độ cần biết

HIV và STI có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.


HIV bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm trong nhiều tuần sau khi tiếp xúc, sau đó có thể không có triệu chứng, trong khi làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tiến triển thành AIDS với các triệu chứng nghiêm trọng như sụt cân, sốt dai dẳng và nhiễm trùng thường xuyên…
 

Chlamydia, lậu và giang mai… là những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) nổi bật góp phần đáng kể vào tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ. Ví dụ, bệnh Chlamydia có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan sinh sản, dẫn đến tắc ống dẫn trứng ở phụ nữ và giảm sản xuất tinh trùng ở nam giới.
 

Nếu không được điều trị, các bệnh nhiễm trùng này có thể tiến triển thành bệnh viêm vùng chậu (PID).
 

Các triệu chứng của STIs phổ biến

- Bệnh Chlamydia: Thường không có triệu chứng, nhưng có thể bao gồm khí hư bất thường, nóng rát khi đi tiểu và đau vùng chậu.

- Bệnh lậu: Đi tiểu đau, ra khí hư bất thường và đau vùng chậu.

- Bệnh giang mai: Loét, tổn thương niêm mạc, phát ban trên da...

- Herpes: Các mụn nước hoặc vết loét gây đau đớn, ngứa và khó chịu.

- HPV: Thường không có triệu chứng nhưng có thể gây ra mụn cóc sinh dục và làm tăng nguy cơ ung thư.

- Trichomonas: Ngứa, tiết dịch và khó chịu ở vùng sinh dục.
 

Điều trị HIV

- Xét nghiệm và giảm thiểu rủi ro: Trước khi điều trị, xét nghiệm tải lượng virus HIV và số lượng CD4 sẽ đánh giá mức độ nhiễm trùng và khả năng miễn dịch. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, dùng thuốc kháng virus, dự phòng sơ sinh, sinh mổ theo chủ định và tránh cho con bú...
 

- Liệu pháp kháng virus và quản lý khả năng sinh sản: ART kiểm soát HIV, hỗ trợ cuộc sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền. Đối với phụ nữ nhiễm HIV, ART kết hợp với các phương pháp điều trị, vẫn có thể mang lại một thai kỳ khỏe mạnh, kết hợp với việc dùng thuốc giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
 

- Hỗ trợ sinh sản và tiến bộ y tế: Các phương pháp sinh sản có hỗ trợ như IUI, IVF và ICSI cung cấp các giải pháp sinh sản an toàn cho các cặp đôi có một đối tác nhiễm HIV, nhờ vào những tiến bộ trong chăm sóc y tế.
 

Điều trị STI như thế nào?

Chẩn đoán bao gồm xem xét tiền sử, triệu chứng và tiến hành xét nghiệm nước tiểu, máu hoặc tăm bông…
 

Điều trị bao gồm kháng sinh cho STI do vi khuẩn, thuốc kháng virus cho STI do virus và thuốc chống nấm cho STI do nấm. Theo dõi bao gồm xét nghiệm lại và thông báo cho bạn tình để ngăn ngừa tái nhiễm.
 

Chiến lược phòng ngừa STI và HIV/AIDS

Thực hành hành vi an toàn: Sử dụng bao cao su thường xuyên trong khi quan hệ tình dục giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV và STI.
 

Khám sàng lọc thường xuyên: Khám sức khỏe và sàng lọc thường xuyên rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị nhiễm trùng, đặc biệt đối với các cặp đôi đang có kế hoạch thụ thai.
 

Tiêm chủng: Các loại vaccine như vaccine HPV có thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục cụ thể, giúp giảm tỷ lệ ung thư cổ tử cung.
 

Giáo dục sức khỏe tình dục: Cung cấp giáo dục về các biện pháp tình dục an toàn và phòng ngừa STI giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt, an toàn.