Thông tin hữu ích: Các giai đoạn phát triển của phôi thai

- 15/02/2024 08:20:04

Phôi thai được hình thành vào tuần thứ 5 (từ thời điểm thụ tinh) và phát triển trong vòng 6 tuần trước khi được gọi là thai nhi. Đây là giai đoạn rất quan trọng, hình thành dáng cơ bản của một đứa bé, các cơ quan trong cơ thể.

 

 
 

1. Giai đoạn từ rụng trứng đến hình thành phôi thai
 

  • Rụng trứng

Trong chu kỳ tự nhiên, mỗi tháng từ buồng trứng của người phụ nữ sẽ có một trứng được phóng thích vào ống dẫn trứng. Hiện tượng rụng trứng xảy ra trong khoảng 2 tuần kề từ ngày có kinh nguyệt đầu tiên trong chu kỳ.
 

phoi thai

  • Trứng di chuyển vào ống dẫn trứng

Sau khi trứng được phóng ra khỏi buồng trứng, nó sẽ di chuyển vào ống dẫn trứng. Và đợi ở đó để đợi tinh trùng đến thụ tinh.
 

  • Hành trình của tinh trùng sau giao hợp

Số lượng tinh trùng trong một lần xuất tinh có thể lên tới 150 triệu tinh trùng. Sau xuất tinh, tinh trùng bơi ngược dòng về phía ống dẫn trứng để hoàn thành nhiệm vụ thụ tinh. Tinh trùng bơi nhanh có thể đến trứng trong nửa giờ, nếu bơi chậm hơn thì có thể mất vài ngày. Tinh trùng có thể sống trong cơ thể người phụ nữ từ 48 – 72 giờ. Chỉ có vài trăm tinh trùng có thể đến với quả trứng vì không thể vượt qua được những rào cản tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ.
 

  • Thụ tinh

Mất khoảng 24 giờ để tinh trùng đã vào được quả trứng có thể được thụ tinh. Khi tinh trùng xâm nhập vào trứng, bề mặt của trứng sẽ thay đổi tính chất để không cho phép các tinh trùng khác chui qua. Tại thời điểm thụ tinh, mọi đặc điểm di truyền của em bé đã hoàn tất, bao gồm cả giới tính là bé trai hay bé gái.
 

  • Các tế bào bắt đầu phân chia

Trứng được thụ tinh bắt đầu phát triển nhanh, phân chia thành nhiều tế bào. Nó rời khỏi ống dẫn trứng và đi vào tử cung 3 – 4 ngày sau khi thụ tinh. Trong những trường hợp hiếm hoi, trứng được thụ tinh làm tổ tại ống dẫn trứng. Hiện tượng này gọi là thai ngoài tử cungTrường hợp thai ngoài tử cung vỡ là một cấp cứu trong sản phụ khoa vì nguy cơ đe dọa tính mạng người mẹ.
 

  • Làm tổ tại tử cung

Sau khi di chuyển đến tử cung, trứng đã thụ tinh sẽ bám vào niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Quá trình này được gọi là làm tổ. Sau khi làm tổ, các tế bào tiếp tục phân chia.
 

  • Thay đổi hormone khi mang thai

Trong vòng 1 tuần sau khi thụ thai, một loại hormone có tên gọi là human chorionic gonadotropin (hCG) có thể được tìm thấy trong máu của người phụ nữ. Hormone này được tạo ra từ các tế bào sẽ trở thành nhau thai. Hormone hCG có thể được phát hiện trong xét nghiệm thử thai bằng máu hoặc nước tiểu. Nhưng thường phải mất 2-3 tuần để mức độ hCG đủ cao để được xét nghiệm bằng que thử thai tại nhà cho kết quả chính xác.
 

  • Sự phát triển của thai nhi

Trứng đã thụ tinh sau khi bám vào tử cung, một số tế bào phát triển thành nhau thai, số khác phát triển thành phôi thai. Tim thai bắt đầu đập từ tuần thứ 5. Não, tủy sống, tim và các cơ quan khác bắt đầu được hình thành. Vào tuần thứ 8, phôi thai tiếp tục phát triển và được gọi là thai nhi, dài khoảng 1.5 cm. Thai nhi được phát triển đến khi hoàn thiện trong khoảng 40 tuần.
 

2. Các giai đoạn phát triển
 

Từ khi xảy ra hiện tượng thụ tinh đến hình thành phôi nang bám và phát triển ở thành tử cung thì phôi thai bắt đầu được hình thành và phát triển. Phôi thai phát triển từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 10 (tính từ thời điểm thụ tinh). Các giai đoạn phát triển được mô tả như sau:
 

  • Phôi thai tuần thứ 5 (3 tuần sau khi thụ thai)

Đây là giai đoạn hình thành phôi và các cơ quan khác (não, tim, tủy sống). Phôi thai được cấu tạo gồm 3 lớp tế bào:
 

    • Ngoại bì phôi: Các tế bào ngoại bì phôi sẽ phát triển thành các cơ quan da, hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, mắt, tai trong và các mô liên kết
    • Trung bì phôi: Các tế bào trung bì phôi sẽ phát triển thành xương, cơ, thận và hệ thống sinh sản của thai nhi.
    • Nội bì phôi: Các tế bào nội bì phôi sẽ phát triển thành các màng niêm mạc lót của các ống cơ thể, phổi, ruột và bàng quang.
       

phoi thai

  • Phôi thai tuần thứ 6 (4 tuần sau khi thụ thai)

Trong tuần này, ống thần kinh dọc theo lưng của phôi thai đóng lại, tim bắt đầu hoạt động bơm máu, tai trong và cung hàm bắt đầu được hình thành. Phôi thai bắt đầu uốn cong hình chữ C, mầm chi trên và chi dưới xuất hiện.
 

  • Phôi thai tuần thứ 7 (5 tuần sau khi thụ thai)

Lỗ mũi và thủy tinh thể được hình thành, mầm chi trên và chi dưới phát triển dài hơn.
 

  • Phôi thai tuần thứ 8 (6 tuần sau khi thụ thai)

Chân tay phát triển dài hơn, các ngón tay bắt đầu hình thành. 2 lỗ tai ngoài được định hình, mắt thai nhi bắt đầu nhìn thấy được. Môi trên và mũi ngoài được hình thành. Thân của phôi thai bắt đầu thẳng dần.
 

  • Phôi thai tuần thứ 9 (7 tuần sau khi thụ thai)

Xương cánh tay phát triển dài ra, vùng khuỷu được hình thành. Ngón chân bắt đầu hình thành, mí mắt, 2 tai tiếp tục hoàn thiện.
 

  • Phôi thai tuần thứ 10 (8 tuần sau khi thụ thai)

Đầu của phôi thai tròn hơn, cổ bắt đầu được hình thành, mí mắt hoàn thiện có thể đóng mở để bảo vệ mắt.