Phù chân khi mang thai có phải là một dấu hiệu bất thường không?

- 21/10/2021 08:10:22

Hiện tượng phù chân khi mang thai này gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày và còn tiềm ẩn nguy cơ tiền sản giật.

 

Phù chân khi mang thai là một hiện tượng sinh lý thường gặp, đặc biệt là trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Cùng bau.vn tìm hiểu về những nguyên nhân gây ra tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé.

Nguyên nhân gây ra phù chân khi mang thai

phu chan khi mang thai

Có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng phù nề bàn chân ở phụ nữ khi mang thai:

  • Để nuôi dưỡng thau nhi trong bụng, cơ thể người thai phụ sẽ phải sản xuất lượng máu và chất lỏng nhiều hơn 50% so với người bình thường. Điều này sẽ gây nên hiện tượng phù nề ở bà bầu.
  • Khi thai nhi càng phát triển, tử cung của mẹ cũng càng lớn hơn. Việc này sẽ gây nên áp lực, chèn lên tĩnh mạch chủ dưới có nhiệm vụ bơm máu từ chi dưới về tim. Sức ép càng lớn thì chân càng bị dồn máu dẫn tới hiện tượng phù nề, đặc biệt là vị trị bàn chân và mắt cá chân. Đó là lý do hiện tượng phù nề thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ hơn là các giai đoạn trước.
  • Sự thay đổi hormon trong thai kỳ cũng có thể gây nên hiện tượng phù. Hormon trong cơ thể mẹ bầu thay đổi khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn. Nó gây khó khăn cho tĩnh mạch trong quá trình vận chuyển máu từ chi dưới về tim và dẫn tới hiện tượng phù.

Bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân khác gây chứng phù chân khi mang thai: đứng quá lâu, thường xuyên mang giày cao gót, làm việc nặng nhọc, chế độ ăn nhiều Natri, thiếu Kali, thời tiết nắng nóng.

Phù chân có phải là một dấu hiệu bất thường hay không?

phu chan khi mang thai

Bàn chân, mắt cá chân, bắp chân bị phù nề là hiện tượng sinh lý có thể gặp ở hầu hết phụ nữ khi mang thai. Thông thường, hiện tượng này sẽ biến mất ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ bầu đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.

Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường sau đây, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa ngay lập tức để được kiểm tra:

  • Hiện tượng sưng phù kéo dài, dù đã nghỉ ngơi nhưng không nhận thấy dấu hiệu thuyên giảm
  • Bị sưng, phù ở cả mặt và tay
  • Hiện tượng sưng phù ngày càng nghiêm trọng
  • Cảm thấy đau đầu dữ dội
  • Thị giác có vấn đề, cụ thể là nhìn mờ
  • Vị trí dưới xương sườn bị đau dữ dội
  • Nôn với bất kỳ triệu chứng nào

Những biểu hiện trên là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật, hội chứng huyết áp cao do thai kỳ, đi kèm với sự tăng protein trong nước tiểu và thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tiền sản gaiatj nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Cách đơn giản nhất để kiểm soát tiền sản giật chính là thường xuyên theo dõi huyết áp người của mẹ và nhịp tim của thai nhi.

Trong trường hợp một chân bị phù hơn hẳn so với chân còn lại thì đó dấu hiệu cho biết mẹ đang gặp vấn đề về tĩnh mạch, ví dụ như huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là một hiện tượng đông máu thường xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu dưới chân.

Cách giảm phù chân khi mang thai

phu chan khi mang thai


Sưng phù bàn chân là hiện tượng thường gặp khi mang thai và sẽ biến mất ngay sau khi sinh. Dưới đây là những cách giảm tình trạng phù chân khi mang thai để không bị quá bất tiện trong sinh hoạt ngày thường mẹ có thể tham khảo:

  • Hạn chế đứng quá lâu ở một tư thế
  • Thường xuyên massage bàn chân
  • Nằm nghiêng bên trái khi ngủ để giảm áp lực từ tĩnh mạch chủ khi đưa máu từ thân dưới về tim
  • Tránh đi giày cao gót
  • Tránh mặc quần áo bó sát
  • Ưu tiên sử dụng loại tất dành riêng cho bà bầu
  • Thường xuyên, vận động nhẹ nhàng, vừa phải bằng cách đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga để giúp máu dễ dàng lưu thông
  • Sử dụng áp lực của nước giúp giảm sưng tạm thời bằng cách đứng hoặc đi bộ trong bể bơi
  • Nên uống 10 cốc nước mỗi ngày (tương đương 2,4 lít nước)
  • Ngâm chân trong nước ấm 10-15 phút trước khi ngủ
  • Giảm muối trong khẩu phần ăn để giảm phù chân khi mang thai
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như cải bó xôi, nước cam, dưa hấu, chuối, sữa chua, các sản phẩm từ đậu nành
  • Loại bỏ những thực phẩm chế biến sẵn trong khẩn phần ăn
  • Hạn chế tối đa lượng cafein nạp vào cơ thể