Nguyên nhân nào gây suy giáp ở trẻ em?

- 19/07/2021 09:35:22

Suy giáp bẩm sinh gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất, tinh thần và vận động ở trẻ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị lùn và đần độn suốt đời, thậm chí trẻ có thể bị tử vong.

Suy giáp bẩm sinh hay còn gọi là bệnh đần độn, xuất hiện với tỉ lệ 1/3000-1/4000 trẻ nghĩa là cứ 3000 - 4000 trẻ sinh ra mỗi năm thì có 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh.

Ở trẻ em, suy giáp có thể xuất hiện ngay sau sinh (một tình trạng gọi là suy giáp bẩm sinh) hoặc có thể phát triển sau này trong thời thơ ấu. Khi tuyến giáp ngừng hoạt động mặc dù có thể coi là bình thường trong thời kỳ sơ sinh, nó vẫn được gọi là suy giáp.

Truy tìm nguyên nhân suy giáp ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ mắc phải căn bệnh suy giảm bẩm sinh. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp mắc phải ở trẻ em và trẻ ở tuổi thanh thiếu niên là viêm tuyến giáp Hashimoto, còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn. Tình trạng này thường xuất hiện ngay trong những năm đầu đời của trẻ.

Viêm tuyến giáp Hashimoto hiện vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân. Theo các chuyên gia, bệnh này có thể di truyền. Viêm tuyến giáp Hashimoto là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch với nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của bệnh nhiễm trùng bỗng nhiên có những nhầm lẫn các tế bào tuyến giáp với các tác nhân lạ và quay lại tấn công chúng và dẫn đến viêm tuyến giáp.

 

Suy giáp bẩm sinh xuất hiện với tỉ lệ 1/3000-1/4000 trẻ


 Theo thời gian, tình trạng viêm làm tổn thương tuyến giáp, làm giảm dần nồng độ hormone tuyến giáp. Một khi nồng độ hormone giáp giảm xuống dưới mức bình thường, tuyến yên sẽ đáp ứng bằng cách tạo ra nhiều hormone kích thích tuyến giáp (TSH) để cố gắng làm cho tuyến giáp hoạt động mạnh hơn và tăng mức độ hormone tuyến giáp.

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của bệnh suy giáp ở trẻ em bao gồm: 

-Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp tạm thời do nhiễm virus. 

-Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp: Để điều trị u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh bướu giáp lồi măt. 

-Điều trị phóng xạ: Gây phá hủy hoặc làm tổn thương tuyến giáp, bao gồm iốt phóng xạ để điều trị bệnh bướu giáp lồi mắt, hoặc xạ trị vào vùng cổ để điều trị bệnh Hodgkin, bệnh ung thư hạch hoặc ung thư khác.

- Các loại thuốc như: lithium, amiodarone và oxcarbazepine có thể gây cản trở hoạt động tuyến giáp. 

-Ăn quá nhiều hoặc quá ít iốt làm tuyến giáp hoạt động bất thường. 

-Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên trong não sẽ quy định lượng hormon mà tuyến giáp tạo ra. Khi tuyến yên bị tổn thương, nó có thể không tạo đủ TSH để đảm bảo chức năng tuyến giáp bình thường.

 

Suy giáp bẩm sinh có thể nhận biết nhờ một số triệu chứng thường xuất hiện trễ, khoảng 2-3 tháng sau sinh

Cần phát hiện sớm

Thăm khám thông thường khó phát hiện sớm bệnh suy giáp bẩm sinh ở trẻ bởi vì các triệu chứng sớm của bệnh không xuất hiện ngay sau đẻ mà thường biểu hiện muộn hơn ở lứa tuổi bú mẹ hoặc tuổi học đường. Vì vậy, đến khi phát hiện trẻ có những triệu chứng điển hình thì bệnh thường bị muộn và điều trị ít kết quả. Khi đó trẻ có thể sẽ phải chịu những hậu quả, di chứng lâu dài ảnh hưởng cả cuộc đời.

Tuy nhiên, bệnh suy giáp bẩm sinh có thể nhận biết nhờ một số triệu chứng thường xuất hiện trễ, khoảng 2-3 tháng sau sinh như: Bé ít linh hoạt, ít cử động hơn những trẻ khác, ít bú, táo bón, tiếng khóc khan, da khô, vàng da kéo dài, rốn lồi, lưỡi to, thóp rộng.

Biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm bệnh ở trẻ sơ sinh đó là thực hiện xét nghiệm sàng lọc sau sinh vào ngày thứ 1-3 ngay sau sinh. Trẻ sẽ được lấy một giọt máu nhỏ ở gót chân và thấm vào một mẫu giấy thấm nhỏ, mẩu giấy này được gửi đến trung tâm xét nghiệm để đo nồng độ TSH. Nếu nồng độ TSH cao, trẻ có thể mắc suy giáp bẩm sinh nguyên phát. Gia đình sẽ được thông báo cho trẻ đến khám và có thể làm lại xét nghiệm bằng máu tĩnh mạch để xác định chẩn đoán.