Bé gái 14 tuổi phát hiện ung thư cổ tử cung sau kỳ kinh đầu tiên

- 22/04/2019 15:07:22

Căn bệnh ung thư cổ tử cung cướp đi mạng sống của bé gái sinh năm 2005 (ở Bình Dương) khiến nhiều phụ huynh giật mình. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bé gái mới 14 tuổi đã ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là “trường hợp đầu tiên xô đổ mọi kỷ lục”.

 


Ca phẫu thuật bé gái 14 tuổi (ảnh bệnh viện cung cấp).

Ca phẫu thuật bé gái 14 tuổi (ảnh bệnh viện cung cấp).

Hy hữu chuyện bé gái nhỏ tuổi ung thư cổ tử cung

Sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên kéo dài bất thường hơn hai tuần, bé gái (SN 2005) quê ở Bình Dương được đưa đến bệnh viện và phát hiện ung thư. Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, khối bướu cổ tử cung xâm lấn quá nhiều khiến sự sống của em chỉ còn tính bằng ngày.

Theo các bác sỹ của bệnh viện, trường hợp bé mới 14 tuổi đã ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là “trường hợp đầu tiên xô đổ mọi kỷ lục". Kết quả MRI cho thấy cổ tử cung bé rất to, xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, lan ra chu cung hai bên. Bướu cũng xâm lấn bàng quang, xâm lấn xuống gần hết âm đạo trên 10 cm, giãn niệu quản, thận ứ nước. Bé gái được mổ ngày 16/4 và ca phẫu thuật thất bại vì bướu xâm lấn toàn bộ tử cung, xâm lấn bàng quang vách chậu, hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng.

BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, ung thư cổ tử cung trên 95% thường do lây nhiễm HPV từ quan hệ tình dục. Do vậy, trường hợp bé gái mới 14 tuổi, lại mới có kinh nguyệt lần đầu, chưa từng quan hệ nhưng mắc bệnh này là rất hiếm và cũng là trường hợp đầu tiên bệnh viện từng tiếp nhận. Chính bác sĩ và các đồng nghiệp cũng tự đặt ra câu hỏi là vì sao ung thư cổ tử cung lại xảy ra ở một bé gái còn ít tuổi, chưa có quan hệ tình dục như vậy? Trong trường hợp này phải chăng là do di truyền hay nguyên nhân nào khác, bác sĩ cũng phải kiểm tra và nghiên cứu thì mới khẳng định được.

Theo một báo cáo từ Mỹ cho thấy, ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 15-19 chỉ có 14 trường hợp mỗi năm, với tỷ lệ là 0,15/100.000 phụ nữ. Ở độ tuổi 20-24 là 125 trường hợp mỗi năm, với tỷ lệ 1,4/100.000 phụ nữ. Nguyên nhân chính của các trường hợp này cho thấy là nhiễm HPV(Human Papillomavirus) từ mẹ lúc sinh. Nhưng cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được yếu tố di truyền gây ung thư cổ tử cung, chỉ ghi nhận một số người trong gia đình có vấn đề liên quan đến đào thải HPV. Những người không đào thải được HPV sẽ bị nhiễm mạn tính và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân và cách phòng chống

Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ nhiễm HPV nguy cơ cao. HPV là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 typ HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân ung thư cổ tử cung chủ yếu.

Hầu như tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời và trong số đó, có khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, người mắc sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai. Nữ giới mắc ung thư cổ tử cung thường ở độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi), người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, trong khi đó những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.

Khuyến cáo của giới chuyên môn cho rằng, tiêm ngừa vaccine HPV sẽ giảm đáng kể ung thư cổ tử cung. Thời điểm tiêm tốt nhất là 12-13 tuổi là rất hợp lý. Theo BS Nguyễn Văn Tiến, ung thư phụ khoa không chừa bất kỳ người phụ nữ ở độ tuổi nào. Cần có lối sống lành mạnh, cân bằng để giảm bớt nguy cơ ung thư và cần chích ngừa HPV, đi khám tầm soát định kỳ và đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động.

BS Nguyễn Văn Tiến cũng khuyên phụ huynh nếu thấy con em có những dấu hiệu như kinh nguyệt bất thường, rong kinh hoặc rong huyết, đau bụng, tiêu tiểu khó khăn, mệt mỏi, sụt cân, nhất là bụng to dần thì phải đến cơ sở y tế tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời.

Bên cạnh nguy cơ do nhiễm HPV, một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:

- Hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc. Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.

- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.

- Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con).

- Sinh con khi còn quá trẻ ( trước 17 tuổi).

- Vệ sinh sinh dục không đúng cách.

- Viêm cổ tử cung mãn tính.

- Suy giảm miễn dịch: Trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.

Các dấu hiệu không thể bỏ qua

Ở giai đoạn đầu, bệnh hầu như không biểu hiện triệu chứng khiến bệnh nhân chủ quan không tầm soát, trong khi ở giai đoạn này các phương pháp điều trị mang lại hiệu quả rất lớn. Khi gặp một trong các dấu hiệu sau, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt:

- Chảy máu bất thường sau giao hợp, giữa các kì kinh hoặc sau mãn kinh.

- Âm đạo tăng tiết dịch bất thường, hoặc có mùi khó chịu.

- Đau vùng chậu không liên quan tới kinh nguyệt.

- Đau khi giao hợp.

- Tăng số lần đi tiểu.

- Đau khi đi tiểu.