Những chuẩn bị trước khi con dậy thì

- 04/08/2010 09:21:03

Khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì,sẽ có nhiều thay đổi đáng kể về thể chất cũng như tinh thần, điều đó làm các bé sợ hãi, không dám thổ lộ cùng ai về những thay đổi tâm sinh lý của mình, dẫn đến nhiều hiện trạng tiêu cực đáng báo động hiện nay . Chẵng hạn nhiều đứa trẻ tỏ ra không ngần ngại khoe thân thể, hay có những biểu hiện “ lệch lạc” về giới tính và tình dục.

Vấn đề quan trọng và cần thiết đối với các bậc phụ huynh là phải nhận thức đúng các giai đoạn phát triển  giới tính và sinh lý của con mình, hiểu rõ các bé cần những thông tin về giới tính và sinh sản phù hợp với lứa tuổi để tìm cách trò chuyện với bé ,chia sẻ kinh nghiệm, giúp chúng hiểu và thích nghi với những thay đổi  ấy . Ở đây chúng tôi có những gợi ý để các bậc phụ huynh tham khảo.

 1. Nói với trẻ về tình dục

Giáo dục giới tính cho các bé tiểu học thường chủ yếu tập trung vào những bài học về các bộ phận trong cơ thể, chức năng, cách chăm sóc, tôn trọng và bảo vệ cơ thể mình; nhằm mục đích trang bị những kiến thức bước đầu cho giai đoạn dậy thì. Từ khi còn mẫu giáo, nhiều đứa trẻ đã bắt đầu thắc mắc những vấn đề như “Em bé được sinh ra từ đâu?” Nhưng bước vào khoảng lớp 3 tiểu học, bé sẽ có những mối quan tâm cụ thể hơn và bắt đầu hình thành nên một vài khái niệm. Thậm chí nhiều bé còn cảm nhận được mối liên quan giữa sinh sản và tình dục, và bắt đầu tò mò về điều đó.

Trò chuyện thẳng thắn và gần gũi những điều này cho bé thấy chúng có thể nói chuyện với những người lớn mà chúng tin tưởng. Gia đình nên tạo nền tảng để bé không cảm thấy cơ thể mình hay các chức năng của các bộ phận cơ thể có gì là xấu xa hay không hay, và từ đó tự tin hơn trong việc đặt những câu hỏi và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lớn đáng tin cậy.
 
Bên cạnh đó, cộng đồng - và nhà trường nói riêng - cũng có trách nhiệm trong quá trình phát triển này của trẻ. Nếu gia đình và nhà trường không có môn học giáo dục giới tính, bé sẽ có xu hướng tự tìm hiểu điều này thông qua bạn bè, internet và cả các phương tiện truyền thông mà bạn không kiểm soát được.

2.Sự phát triển sinh lý bình thường ở học sinh tiểu học

Đừng sợ hãi hay lo lắng khi con bạn tỏ ra quan tâm đến những đề tài hay hành vi giới tính - điều đó hoàn toàn bình thường. Trong những năm tiểu học, những hành vi điển hình của bé bao gồm:

• Bé trở nên e ngại và xấu hổ khi phải “tồng ngồng” trước mặt bố mẹ

• Bé có xu hướng tới kết thân với những người bạn cùng giới và thường xuyên phàn nàn về những người bạn khác giới. Con gái bạn có thể sẽ nói, “Bọn con trai thật nghịch ngợm và đáng ghét!”

• Bé bắt đầu chơi những trò chơi “thơm nhau” hoặc đóng vai bố - mẹ, cô dâu - chú rể.

• Bé tò mò về sự khác biệt giới tính, về tình dục và mang thai.

• Những trò chơi có liên quan đến giới tính mà con bạn đã chơi từ những năm mẫu giáo vẫn có thể tiếp tục, vì trẻ ở tuổi này còn muốn biết nhiều hơn nữa.

 


Lời khuyên cho bạn: Sau đây là những gợi ý mà bạn nên thực hiện khi muốn giáo dục giới tính cho đứa con sắp bước vào tuổi dậy thì của mình:
 
• Đừng đợi đến khi bé đặt câu hỏi rồi bạn mới trả lời. Nếu đến 10 tuổi mà con bạn vẫn không hỏi bạn bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, có thể bởi vì bé quá nhút nhát hay xấu hổ. Nếu con không hỏi thì bạn có thể mở đầu với một câu hỏi kiểu như: “Đã bao giờ con tự hỏi không biết em bé được sinh ra như thế nào chưa?” Hãy tìm cơ hội để bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên nhất. Bạn có thể khởi đầu bằng một cuốn sách hoặc nói về một phụ nữ mang thai chẳng hạn.

• Một số đứa trẻ bắt đầu biết e thẹn ngay từ khi vừa lên 6 và biết xem việc đi tắm là vấn đề riêng tư. Đây là một dịp tốt để đảm bảo trẻ biết hãy nói “không” khi bị chạm vào những nơi mà bé cảm thấy không thích.

• Thủ dâm là điều bình thường và lành mạnh đối với trẻ em, hành động này có thể xảy ra trước độ tuổi dậy thì. Bé chỉ cần phải biết đó là việc cần kín đáo và riêng tư.

• Một số bé gái có thể ngực đã nhú và bắt đầu có kinh khi mới lên 8 tuổi. Khi trẻ được 9 tuổi, bố mẹ nên nói chuyện với cả con trai và con gái về việc “lớn lên” và những thay đổi trong cơ thể.

• Đừng tạo ra một cuộc nói chuyện dài dòng, chính bạn sẽ bị “mắc kẹt” trong đó. Trong suốt cuộc nói chuyện, bạn cần tập trung vào chủ đề chính và trình bày rõ ràng trong một giới hạn nhất định.

• Hãy bảo đảm trẻ biết chúng có thể tâm sự được với ai về những chuyện “tế nhị” (trong trường hợp ngại tìm đến bạn thì còn có thể trò chuyện với ai được nữa). Đừng để con bạn phải tìm một người nào đó và bày tỏ sự bối rối của mình, để rồi sau đó việc này mới lọt đến tai bạn.

• Tìm hiểu về chương trình giáo dục giới tính mà con bạn được học ở trường để có thể cung cấp và hỗ trợ những thông tin phù hợp nhất.