Bé 1 tháng tuổi đã mắc giang mai... nguyên nhân, cách phòng ngừa?

- 27/05/2020 10:38:09

Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) vừa tiếp nhận bệnh nhi 1 tháng tuổi được chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng khó thở, bụng chướng, vết loét ở chân, mông. Sau đó, bé được xác định mắc giang mai bẩm sinh.


 
Bé 1 tháng tuổi bị nghi ngờ mắc giang mai bẩm sinh, các bác sĩ đã tư vấn làm xét nghiệm, kết quả cả bệnh nhi và mẹ đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.
 

Vét loét ở chân trẻ do nhiễm xoắn khuẩn giang mai. Ảnh: VTV.



Sau 1 tuần điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu và truyền máu, trẻ đã tiến triển tốt: Bú được, da hồng hào, hết khó thở, bụng hết tuần hoàn bàng hệ, gan lách đã nhỏ lại. Bệnh nhi sẽ được xuất viện trong những ngày tới.

Theo bác sĩ Mai Hồng Tình, Khoa Nhi, giang mai bẩm sinh là bệnh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. Tùy mức độ nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ sang thai nhi mà có thể gặp: Nặng là sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, nhiễm khuẩn và trẻ có thể tử vong; Nhẹ hơn là trẻ sinh ra có vẻ bình thường sau dần xuất hiện tổn thương các cơ quan: mắt, tai, xương... nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh giang mai lây từ mẹ sang con xảy ra từ tháng thứ 4 và 5 của thai kỳ bởi khoảng thời gian này nhau thai cho phép máu của người mẹ dễ dàng trao đổi với máu của thai nhi, chính điều này đã tạo cơ hội để xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào thai nhi qua mạch máu rốn và lây bệnh.

Phòng chống giang mai ở thai nhi

Để phòng ngừa giang mai bẩm sinh ở trẻ, bố mẹ cần thực hiện tình dục an toàn: chung thủy một vợ, một chồng; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn. Cách thực hành tình dục an toàn giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh giang mai.

Trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh do nhiễm trùng từ người mẹ mắc bệnh giang mai truyền qua nhau thai hoặc lây truyền qua đường sinh nở. Ảnh: Vimec.


 
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, hãy đi khám ngay lập tức để tránh các biến chứng như lây nhiễm cho bé khi mang thai hoặc khi sinh.

Chăm sóc trước khi sinh rất quan trọng. Khi mang thai, xét nghiệm máu thường xuyên được thực hiện để phát hiện bệnh giang mai. Những điều này giúp xác định các bà mẹ bị nhiễm bệnh để được điều trị nhằm giảm thiểu rủi ro cho em bé và chính họ. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm bệnh, được điều trị bằng kháng sinh đầy đủ trong thai kỳ, có nguy cơ mắc bệnh giang mai bẩm sinh sẽ được giảm đi.